MRI / ẢNH CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ
Định nghĩa
MRI là gì?
MRI là gì? Ảnh chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging), là kỹ thuật thu hình ảnh cắt lớp của các cơ quan trong cơ thể sống bằng cách sử dụng sóng từ trường và sóng vô tuyến.
MRI được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện và phòng khám. Mục đích chính để chẩn đoán y tế, xác định giai đoạn ung thư và theo dõi tình trạng bệnh.
Ảnh chụp cộng hưởng từ cho hình ảnh có độ tương phản tốt hơn so với ảnh CT của các mô mềm, ví dụ như trong não và bụng.
Kỹ thuật MRI không sử dụng tia X hay bức xạ ion hóa nên an toàn đối với bệnh nhân và được các bác sĩ khuyên dùng trong điều trị và chẩn đoán hình ảnh.
Cơ sở vật lý của kỹ thuật chụp ảnh cộng hưởng từ
MRI là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh 2D và 3D của các mô mềm trong cơ thể.
Ảnh MRI dựa trên hiện tượng cộng hưởng từ hạt nhân của các proton trong phân tử. Chủ yếu là phân tử nước tồn tại trong mô tế bào sống.
Proton có momen từ rất nhỏ (bằng 1,5 × 10-3 momen từ của điện tử). Nhưng trong cơ thể sống có một lượng rất lớn proton (hạt nhân hydrogen trong phân tử nước, vào khoảng 6,6 × 1019 proton/mm3).
Từ trường mạnh tác động từ bên ngoài làm từ hóa các mômen từ của proton. Các mômen từ này sau đó sắp xếp song song theo phương của từ trường ngoài.
Cùng lúc tác động một sóng vô tuyến để làm thay đổi hướng của các momen từ.
Sóng vô tuyến này được điều chỉnh tần số để xảy ra cộng hưởng với tần số của các proton.
Ngừng tác động sóng vô tuyến, các proton sắp xếp lại theo phương từ trường ngoài ban đầu.
Trong quá trình này, các proton giải phóng năng lượng dạng sóng vô tuyến thu được bằng một đầu thu. Sau đó được xử lý và chuyển đổi tín hiệu thành hình ảnh bằng hệ thống máy tính.
Cường độ phát ra từ một đơn vị khối lượng mô được thể hiện trên thang màu trắng đen. Theo đó màu trắng là cường độ tín hiệu cao, màu đen là không có tín hiệu.
Cường độ tín hiệu của một loại mô phụ thuộc vào thời gian hồi phục. Thời gian hồi phục phụ thuộc vào tốc độ sắp xếp lại của các proton, các loại mô khác nhau.
MRI được sử dụng trong chẩn đoán các bộ phận nào của cơ thể?
Sọ não, hệ thần kinh: để phát hiện các bệnh u não, u dây thần kinh sọ não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, mất trí nhớ, động kinh, viêm màng não,…
Tim mạch: đánh giá cấu trúc và chức năng tim, phát hiện các bệnh viêm cơ tim, huyết sắc tố, thiếu máu cục bộ cơ tim, tim bẩm sinh, nhồi máu cơ tim,…
Cột sống: phát hiện các bệnh thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, viêm, u tủy sống, chấn thương liên quan đến cột sống,…
Cơ xương khớp: phát hiện các bệnh cơ di truyền, sụn khớp, xương, rách dây chằng, tràn dịch ổ khớp,…
Gan và đường tiêu hóa: xác định các tổn thương của gan, thận, tuyến tụy, sỏi mật, đại trực tràng,…
Ổ bụng và chậu: phát hiện ung thư tiền liệt tuyến, u buồng trứng, ung thư cổ tử cung,…
Mạch: phát hiện các chứng hẹp động mạch hoặc phình động mạch.
Tuyến vú: phát hiện các viêm nhiễm tại vú, u vú lành tính hay ác tính.

Quy trình trong chụp cộng hưởng từ MRI
- Bệnh nhân phải tháo các vật dụng kim loại trên người trước khi chụp để đảm bảo an toàn.
- Bệnh nhân nằm thoải mái trên một giường phẳng, di chuyển tự động đến vùng chụp theo sự điều khiển của bác sĩ.
- Tùy vào vùng cần chụp mà thời gian chụp sẽ dao động từ 15 đến 60 phút. Tại một số thời điểm máy quét sẽ phát ra tiếng động lớn, do quá trình bật tắt dòng điện trong cuộn dây máy quét.
- Bệnh nhân cần cố gắng nằm yên một tư thế để cho hình ảnh sắc nét và rõ ràng. Ở một số vùng chụp, bệnh nhân có thể được yêu cầu nín thở.
- Trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể sẽ được tiêm thuốc cản quang bằng một kim nhỏ vào ven tay và được rút ra khi chụp xong.

Chụp cộng hưởng từ có mang lại rủi ro nào cho bệnh nhân không?
Mặc dù không sử dụng tia X hay bức xạ ion hóa, nhưng kỹ thuật này sử dụng một từ trường mạnh. Nó đủ mạnh để hất tung cả một chiếc xe ra khỏi phòng. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ về bất kỳ sự cấy ghép nào trước đó.
- Những người được cấy ghép – đặc biệt là thiết bị có chứa sắt: máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim cấy ghép, máy ghi vòng lặp, máy bơm insulin,…
- Tiếng ồn: cường độ âm thanh có thể lên tới 120 Db, có thể bệnh nhân sẽ được yêu cầu vật dụng bảo vệ tai.
- Thuốc cản quang: bệnh nhân đang phải lọc máu không được khuyến khích sử dụng chất cản quang, cụ thể là Gadolinium.
- Phụ nữ mang thai: chưa có kết quả chứng minh chụp MRI ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu không nên chụp MRI và sử dụng chất cản quang, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ.
DIGMAN GIẢI THÍCH
DIGMAN hiện đang cung cấp dịch vụ thiết kế và tạo mô hình 3D phục vụ cho mục đích giải phẫu học và hoạt động nghiên cứu trong y sinh.
Bạn chỉ cần gửi cho DIGMAN file 3D trích xuất từ ảnh MRI của bộ phận, sau đó chúng tôi sẽ ứng dụng công nghệ in 3D để tạo mô hình 3D cho bộ phận đó.
