DIGITAL MANUFACTURING / SẢN XUẤT KỸ THUẬT SỐ
Định nghĩa
Digital Manufacturing là gì?
Digital Manufacturing là gì? Là quá trình sản xuất kỹ thuật số, hiểu đơn giản là ứng dụng hệ thống máy tính vào các dịch vụ, chuỗi cung ứng, sản phẩm và quy trình sản xuất.
Công nghệ sản xuất kỹ thuật số là một cách tiếp cận tích hợp cho quá trình sản xuất. Từ thiết kế cho đến sản xuất và cuối cùng là thương mại hóa sản phẩm.
Công nghệ này phát triển từ các sáng kiến sản xuất bao gồm thiết kế cho khả năng sản xuất (DFM), sản xuất tích hợp máy tính (CIM), sản xuất linh hoạt và sản xuất tinh gọn.
Sự tiến bộ này đã giúp cho quá trình sản xuất trong các nhà máy được tối ưu rất nhiều.
3 khía cạnh của sản xuất kỹ thuật số
Vòng đời sản phẩm
Bắt đầu với thiết kế kỹ thuật trước khi chuyển sang sản xuất và cung ứng dịch vụ. Nghiên cứu dữ liệu kỹ thuật số cho phép sửa đổi các thông số kỹ thuật của thiết kế trong quá trình sản xuất.
Nhà máy thông minh
Sử dụng máy móc, cảm biến và thiết bị thông minh để phản hồi theo thời gian thực về quy trình sản xuất.
Các quy trình của nhà máy được kiểm soát và tối ưu hóa để cải thiện hiệu suất.
Quản lý chuỗi giá trị
Giảm thiểu nguồn lực để tạo ra quy trình tối ưu mà vẫn duy trì được chất lượng sản phẩm và sự hài lòng của khách hàng.
DIGMAN GIẢI THÍCH
Phân tích hệ thống Digital Manufacturing
Cốt lõi của hệ thống này là kết hợp các khả năng tối ưu hóa để giảm thời gian, chi phí cũng như nâng cao hiệu suất của hầu hết các quy trình.
Hệ thống này sử dụng phần mềm 3D để thiết kế các công cụ và máy móc cũng như bố trí mặt bằng nhà máy và quy trình sản xuất. Từ đó, cho phép thực hiện các thay đổi nhanh chóng đối với thiết kế sản phẩm và đánh giá tính phù hợp của chúng.
Công nghệ này cải thiện việc tối ưu lịch trình sàn, lập kế hoạch sản xuất và ra quyết định. Hệ thống phân tích phản hồi từ quá trình sản xuất về sai lệch để đưa ra cách xử lý.
Phân loại quy trình
Mọi quy trình sản xuất kỹ thuật số đều sử dụng máy vi tính điều khiển số (CNC). Kỹ thuật này rất quan trọng đối với cả hệ thống. Nó không chỉ cho phép sản xuất hàng loạt và linh hoạt mà còn cung cấp mối liên kết giữa mô hình CAD và sản xuất.
Có 2 loại quy trình sản xuất kỹ thuật số đó là:
- Quy trình sản xuất đắp lớp (công nghệ in 3D): đắp chồng các lớp vật liệu lên nhau được thiết lập thông qua hệ thống CAD.
- Quy trình sản xuất cắt gọt: cắt laser, tiện, phay, v.v…
Ưu điểm và lợi ích
- Giảm khả năng xảy ra lỗi trong quá trình sản xuất bằng trao đổi dữ liệu tự động.
- Giảm thiểu chi phí vận hành.
- Thực hiện các quy trình sản xuất với quyền truy cập theo thời gian thực vào dữ liệu vòng đời.
- Cho phép các giai đoạn sản xuất được tối ưu hóa và diễn ra linh hoạt.
- Tạo ra mô hình nhà máy nhanh hơn và đảm bảo nhà máy hoạt động đúng cách.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu chất lượng trong toàn tổ chức.
- Sản xuất đám mây có thể được sử dụng cho mô hình này. Lấy thông tin truy cập mở từ một số nguồn để phát triển dây chuyền sản xuất kỹ thuật số.